Đổi mới ở Đảng bộ Công ty giấy Hoàng Văn Thụ

Thứ ba - 25/10/2016 13:25

Công nhân Công ty giấy Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) vận hành dây chuyền sản xuất mới.

Công nhân Công ty giấy Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) vận hành dây chuyền sản xuất mới.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn hai vào năm 2007, Công ty giấy Hoàng Văn Thụ (thành phố Thái Nguyên) không còn vốn nhà nước. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, lãi suất ngân hàng lên hơn 20%/năm, lượng hàng tồn kho lớn, công nợ tồn đọng làm cho công ty điêu đứng, thậm chí phải tính đến phương án phá sản.

Xử lý quan hệ cũ - mới, truyền thống - hiện đại

Thời điểm khó khăn nhất, công ty thiếu hụt thợ có tay nghề, dây chuyền sản xuất cũ, xuống cấp, còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường trong lĩnh vực sản xuất bao gói xi-măng và hộp các-tông. Một số cán bộ, công nhân viên bộc lộ những yếu kém như thiếu quyết tâm, trì trệ, không năng động, chậm đổi mới. Khi người mua cổ phần chi phối ở nơi khác đến, không phải là đảng viên, giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, những va chạm cũ - mới, truyền thống - hiện đại là không thể tránh khỏi.

Tổng Giám đốc mới rất quyết liệt trong công việc, quyết vực dậy công ty già cỗi. Từ mọi thứ đều thuộc về tập thể, trách nhiệm chung chung, nay Tổng Giám đốc phân công lại nhiệm vụ rõ người, rõ việc, phát huy năng lực cá nhân. Trước tiên, công ty đổi mới công tác quản lý, sau đó đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị, tăng lương cho người lao động. Sự đổi mới dứt khoát và quyết liệt ảnh hưởng đến lợi ích của một số cán bộ, công nhân làm việc đã lâu năm. Mặc dù ba Phó Tổng Giám đốc của công ty là cán bộ cũ, đều trong Ban Thường vụ Đảng ủy, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc muốn thay đổi ngay, nhưng Đảng ủy muốn xem xét giải quyết từng bước để bảo đảm quyền lợi người lao động. Để tìm tiếng nói chung về nhân sự, có lần Đảng ủy công ty phải mời Đảng ủy cấp trên là Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến trao đổi ý kiến với chủ doanh nghiệp. Các vấn đề về tăng lương, bố trí nhân sự quản lý, Tổng Giám đốc đều trao đổi ý kiến với Đảng ủy. Ba vị Phó Tổng Giám đốc phải làm tròn hai vai, vừa là lãnh đạo Đảng ủy, vừa là Phó Tổng Giám đốc công ty. Công việc này đòi hỏi sự linh hoạt trong ứng xử để đạt mục đích bảo vệ được quan điểm của Đảng ủy, đồng thời đáp ứng yêu cầu công việc của Tổng Giám đốc.

Các cuộc họp hằng tuần của Ban Giám đốc đã thống nhất chủ trương điều hành, lãnh đạo sản xuất, kinh doanh, chủ trương hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức, đoàn thể trong công ty. Chương trình công tác của Đảng ủy bám sát nhiệm vụ sản xuất kinh doanh từng quý. Do đó, không phát sinh mâu thuẫn hay sự lệch pha giữa tổ chức Đảng và chủ doanh nghiệp.

Quyết tâm đổi mới từ những đảng viên

Mặc dù chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần không có vốn nhà nước, nhưng Đảng ủy đã phát huy được thế mạnh vốn có là bề dày truyền thống 70 năm của công ty. Cán bộ, công nhân viên có nhiều đời gắn bó với công ty, đã chia ngọt, sẻ bùi, có chung mất mát trong hai cuộc kháng chiến, nên dễ thống nhất với nhau. Ngoài ba Phó Tổng Giám đốc trong Ban Thường vụ Đảng ủy, các đồng chí trong Đảng ủy đều giữ vị trí trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc xưởng. Tổng Giám đốc Hoàng Minh Thông và Hội đồng quản trị tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đoàn thể hoạt động. Gần đây, Đảng bộ được bổ sung các đồng chí cán bộ trẻ có trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, như Bí thư Đoàn công ty Nguyễn Thị Lý, thạc sĩ quản lý môi trường. Đảng ủy và các đoàn thể công ty xác định rõ, từ sự đồng thuận về mục tiêu xây dựng doanh nghiệp, cần làm hết sức mình để xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lãnh đạo công ty và người lao động. Chẳng hạn như việc chia cổ tức thì cần giữ ở mức hợp lý, bảo đảm lợi ích của các bên. Tổng Giám đốc tôn trọng tổ chức Đảng. Cán bộ, công nhân viên tôn trọng quyền quyết định của Tổng Giám đốc. Một vấn đề mà các đồng chí trong Đảng ủy cũng nhận thấy là tự mình phải thay đổi tư duy, quyết tâm dứt bỏ phương thức sản xuất kinh doanh cũ, phải nhạy bén với biến động của thị trường.

Đảng ủy và Tổng Giám đốc đã thống nhất xây dựng chiến lược phát triển công ty, đầu tư mở rộng sản xuất. Trong giai đoạn 2010-2015, công ty đã đầu tư và đưa vào sản xuất hai dây chuyền xeo tròn, hai lò hơi mới, tổ chức 15 điểm sản xuất và chế biến dăm mảnh và mua sắm nhiều máy móc hiện đại. Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Vũ Thái Sơn khẳng định, công ty sẽ phát triển mạnh hơn khi vận hành dây chuyền sản xuất thứ hai. Từ ổn định sản xuất, Đảng bộ công ty có thêm sức sống mới, bên cạnh truyền thống đoàn kết thống nhất cao, tuân thủ nguyên tắc, quy chế làm việc, thì tư duy năng động, hiệu quả đã dần ngấm vào từng đảng viên. Ba năm gần đây, công ty đã vượt qua khó khăn và phát triển thuận lợi. Giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm tăng bình quân 18,54%, doanh thu tăng 20%, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ. Công ty bảo toàn được vốn và kinh doanh có lãi, vốn điều lệ tăng gấp hai lần, thu nhập của người lao động tăng 65% so với đầu nhiệm kỳ. Chế độ an sinh xã hội được bảo đảm. Hoạt động Đảng, đoàn thể được duy trì và có sự tiến bộ rõ rệt so với thời điểm khó khăn sau cổ phần hóa.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ kết nạp 21 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 78 đồng chí. Nhiều lao động trẻ mong muốn được vào Đảng. Phong trào lao động sáng tạo do Đảng ủy chỉ đạo đã phát huy kết quả tốt, làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đảng viên Nguyễn Bắc Hải, Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, hai năm liền được bình bầu là công nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Tổ của anh có bốn sáng kiến tận dụng phế thải sửa chữa máy móc trong năm 2014, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Nói về vai trò của tổ chức Đảng công ty, đảng viên Nguyễn Việt Bắc, phụ trách xí nghiệp 2, đặt tay lên trái tim mình: "Tôi tự hào là đảng viên. Tổ chức Đảng của công ty là niềm hãnh diện của chúng tôi".

Nguồn tin: Bài, ảnh: HÀ HỒNG HÀ và PHƯƠNG CƯỜNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

0985.171.102
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây